Hồi cuối tháng 11/2018, chúng tôi từng có bài viết "trên tai" chiếc Xiaomi AirDots - tai nghe bluetooth true wireless đầu tiên của Xiaomi với mức giá chưa đến 1 triệu đồng. Mặc dù mang tên gọi khá giống với Apple AirPods và bị nhiều người gọi là "hàng nhái", tuy nhiên xét một cách công bằng thì AirDots có kiểu dáng khác biệt so với AirPods. Chính vì vậy, rất khó để so sánh hai sản phẩm này với nhau, đặc biệt khi mức giá của chúng khá chênh lệch.
Chưa đầy hai tháng sau khi ra mắt AirDots, Xiaomi mới đây đã tiếp tục tung ra chiếc AirDots Pro, ngoài ra còn có tên gọi khác là Mi True Wireless Earphones. Khác với AirDots, AirDots Pro có kiểu dáng rất giống với AirPods và có thể coi là bản sao hoàn thiện nhất từ trước đến nay của chiếc tai nghe này. Trong đợt mở bán đầu tiên của AirDots Pro ngày 11/1 vừa qua, Xiaomi đã bán hết sạch hàng chỉ trong vòng 4 phút. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của sản phẩm này đối với người dùng.
Hộp của sản phẩm Xiaomi AirDots Pro
Ngoài tên gọi AirDots Pro, chiếc tai nghe này còn có tên gọi tiếng Anh là Mi True Wireless Earphones
Ở bên cạnh hộp là một số tính năng nổi trội của sản phẩm như True Wireless, hỗ trợ chống ồn chủ động, trọng lượng nhẹ và hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng
Khi mở hộp, người dùng sẽ thấy hộp sạc và hai chiếc tai nghe
Một số phụ kiện đi kèm gồm mút tai thay thế, cáp USB-C và sách HDSD
Khác với các sản phẩm Xiaomi nội địa Trung Quốc trước đây, sách HDSD của AirDots Pro không chỉ bao gồm tiếng Trung mà có cả tiếng Anh. Chúng tôi khuyến cáo người dùng nên tham khảo qua nội dung trong sách này vì nó sẽ hướng dẫn một số thao tác cơ bản khi sử dụng tai nghe.
Đây là chiếc AirDots Pro và hộp sạc. Có thể thấy thiết kế của nó rất giống với AirPods.
Không chỉ sở hữu thiết kế giống nhau, AirDots Pro còn được trang bị nhiều tính năng giống như AirPods, bao gồm:
- Tự động chơi hoặc dừng nhạc khi người dùng đưa tai nghe vào hoặc bỏ tai nghe khỏi tai.
- Điều khiển thông qua các thao tác cảm ứng: chơi/dừng nhạc, kích hoạt trợ lý ảo.
- Tích hợp microphone để nhận cuộc gọi.
Thiết kế giống nhau là vậy, nhưng AirDots Pro cũng có một số điểm khác so với AirPods:
- Điểm khác biệt lớn nhất là AirDots Pro có kích thước lớn hơn AirPods, góc cạnh hơn và cũng thô hơn. Chất liệu vỏ của AirDots Pro cũng nhám hơn chứ không bóng như AirPods.
- AirDots Pro là tai nghe dạng in-ear, đút sâu vào lỗ tai. Trong khi đó, AirPods là dạng earbuds và chỉ đeo ngoài lỗ tai. Do đút sâu vào lỗ tai, vậy nên cảm giác đeo AirDots Pro cũng bí bách hơn và không thoải mái bằng AirPods. Tuy nhiên, AirDots Pro cũng có điểm mạnh ở khả năng cách âm tốt hơn, bám chặt vào tai của người dùng hơn và người dùng có thể thay đổi mút tai để phù hợp với sở thích của bản thân.
Đặc biệt, AirDots Pro còn hơn cả AirPods ở một tính năng là chống ồn chủ động (active noise cancelling). Người dùng có thể kích hoạt nó bằng cách chạm vào bề mặt cảm ứng của một trong hai tai trong vòng 3 giây. Qua thử nghiệm, tính năng này không thể khử 100% tiếng ồn, tuy nhiên nó cho thấy hiệu quả rõ rệt trong nhiều trường hợp.
Mặc dù vậy, người dùng không nên kỳ vọng quá nhiều về chất lượng âm thanh của AirDots. Chúng tôi nhận thấy bass của AirDots Pro hơi dư thừa và lấn át các dải còn lại, cộng thêm âm trường hẹp khiến cho chất âm của nó kém xa AirPods.
Cũng như AirPods, AirDots Pro được trang bị cảm biến tiệm cận. Cảm biến này cho phép tai nghe nhận biết xem người dùng có đang đeo tai nghe hay không, cho phép kích hoạt tính năng tự chơi/dừng nhạc khi người dùng đeo/không đeo tai nghe.
AirDots Pro là tai nghe dạng in-ear (nhét tai). Tai nghe in-ear có ưu điểm là cách âm tốt hơn, tuy nhiên cảm giác đeo sẽ hơi "bí bách" nếu người dùng chưa quen. Người dùng có thể thay thế những miếng mút tai (eartips) kèm hộp để có cảm giác vừa vặn nhất.
Ở cạnh dưới tai nghe là hai chấu tiếp xúc để sạc.
Ở mặt sau của AirDots Pro là bề mặt tiếp xúc, cho phép người dùng có thể thao tác cảm ứng.
So sánh với AirPods, có thể thấy AirDots Pro có kích thước lớn hơn tương đối.
Thiết kế của AirPods trông thanh thoát và mềm mại hơn.
Do nhẹ hơn, ít góc cạnh và là dạng earbuds, cảm giác đeo của AirPods (trái) cũng vì thế mà thoải mái hơn AirDots Pro (phải).
Còn đây là hộp sạc đi kèm AirDots Pro, cũng có thiết kế giống với AirPods
Ở cạnh phải của hộp là một nút bấm dùng để khởi tạo kết nối bluetooth hoặc reset.
Mặt sau của hộp sạc là thông tin về điện áp của sản phẩm.
Hộp sạc này sử dụng cổng USB-C. Đây là một nâng cấp so với AirDots bản thường (sử dụng cổng Micro USB).
Trạng thái sạc pin của tai nghe sẽ được biểu hiện bằng đèn LED màu trắng ở trên đỉnh.
Hộp sạc có tích hợp nam châm, chỉ cần đưa tai nghe vào là sẽ hút ngay ngắn vào khe.
So sánh hộp sạc của AirDots Pro và AirPods, một lần nữa, hộp sạc của AirDots Pro to và thô hơn.
Khác biệt lớn nhất là về độ dày: hộp sạc của AirDots Pro dày gấp rưỡi so với AirPods.
Để kết nối với thiết bị, người dùng sẽ mở nắp hộp AirDots Pro, giữ nút bên hông và chọn "Mi True Wireless Earphones" ở trong menu bluetooth.
Sau ghi ghép đôi, cả hai tai sẽ được kết nối cùng lúc. Nếu thích, người dùng có thể kết nối riêng lẻ mỗi bên tai với một thiết bị khác nhau.
Người dùng có thể quản lý thời lượng pin của AirDots Pro bằng tính năng có sẵn của hệ điều hành. Xiaomi cho biết thời lượng pin của AirDots Pro là khoảng 3 tiếng nếu nghe nhạc liên tục và 10 tiếng nếu tính cả hộp sạc. So sánh với AirPods (nghe liên tục 5 tiếng, kèm hộp sạc là 24 tiếng), AirDots Pro cho thời lượng pin thấp hơn nhiều.
Qua trải nghiệm nhanh, chúng tôi có thể tạm tổng kết một số ưu và nhược điểm của AirDots Pro là:
Ưu điểm:
- Nhiều tính năng như AirPods.
- Có khả năng chống ồn chủ động.
- Có thể tùy ý thay đổi eartips.
- Hộp sạc thiết kế tiện lợi, sử dụng cổng USB-C.
- Giá rẻ. Mức giá của AirDots Pro dao động trong khoảng 1.5 triệu đồng, và trong tầm giá này khó có thể tìm được một chiếc tai nghe true wireless với đầy đủ tính năng như AirDots Pro.
Nhược điểm:
- Thiết kế to và hơi thô.
- Chất lượng âm thanh không nổi bật.
- Thời lượng pin thấp.
Nguồn: GenK